Tin tức

Hướng dẫn viên Phú Quốc đi phụ bếp, không dám tắm dịp 30/4-1/5

Ngày 04 Tháng 05, 2022

Lượng khách khổng lồ đổ đến Phú Quốc (Kiên Giang) dịp lễ 30/4-1/5 gây ra nhiều câu chuyện dở khóc dở cười cho du khách.

Như dự đoán của nhiều người trong lĩnh vực du lịch, Phú Quốc là điểm đến “hot” bậc nhất dịp lễ vừa qua. Lượng hướng dẫn viên trên đảo không đủ khiến các công ty phải “chạy ngược, chạy xuôi” tìm thêm. Những hướng dẫn viên đi tour cũng làm việc gần như cả ngày, thậm chí chỉ nghỉ 3-4 giờ.

Sợ tắm

“Tôi đi làm về, ngủ một giấc đến sáng mới dám tắm rồi lại chạy tour tiếp”, Tuyết Minh, sinh năm 1991, hướng dẫn viên địa phương, chia sẻ với Zing.

Tuyết Minh không tắm không phải vì lười. Cô thường về nhà vào khuya hoặc rạng sáng. Do đó, cô không dám tắm vì sợ đổ bệnh, không thể dẫn tour vào hôm sau.

Nữ hướng dẫn viên cho biết cô nhận 2 tour trong dịp lễ do mỗi tour kéo dài 3 ngày 2 đêm. Từ trước tháng 3, nhiều công ty đã liên hệ cô để giúp họ dẫn tour nhưng Tuyết Minh ưu tiên cho các mối quen. Nữ hướng dẫn viên 31 tuổi tiết lộ đã từ chối 8 đoàn và phải đẩy sang cho các anh em hướng dẫn viên quen thân.

du lich phu quoc anh 1

Một số tour ở Phú Quốc hiện nay khá vất vả cho hướng dẫn viên do di chuyển bằng cano. Ảnh: NVCC.

Trước kia, Tuyết Minh chưa có thẻ hướng dẫn viên nên chỉ nhận được một số đoàn gia đình, khách quanh khu vực chợ đêm. Từ ngày có thẻ, cô mới nhận được những đoàn lớn và có thêm mối quan hệ với các công ty lữ hành.

Chia sẻ với Zing, nữ hướng dẫn viên cho biết tình trạng thiếu hướng dẫn viên ở Phú Quốc là có thật. Các công ty ở bên ngoài Phú Quốc ưu tiên tìm thêm những hướng dẫn viên địa phương như cô. Bởi việc mang thêm một hướng dẫn viên theo đoàn từ đất liền đến đảo rất tốn kém, nhất là khi phải di chuyển bằng máy bay.

“Các tour hiện nay đi vất hơn nhiều so với tour truyền thống do phải di chuyển bằng cano, tour kéo dài đến đêm. Ngày nào kết thúc sớm, khoảng 23h30 tôi mới về đến nhà. Hôm muộn phải 1h30, 2h”, cô nói.

Hướng dẫn viên đi phụ bếp

Một trong những điều Tuyết Minh không vui trong dịp lễ là việc các nhà hàng thường nhận quá công suất. Vì thế, có những lúc, cô cũng phải lao vào phụ bếp để khách sớm có cơm ăn.

Dù đã liên tục cập nhật với nhà hàng khoảng 30 phút/lần. Đôi khi, đoàn đến cũng chưa có cơm.

“500 khách nhưng đoàn đến trước, đoàn tới sau lại dễ. Đây 500 khách từ đủ công ty cùng đến một lúc thì nhà hàng cũng khó. Dĩ nhiên, cũng có những bên cố tình nhận quá công suất khiến hướng dẫn viên phải thêm việc”, cô cho hay.

 

du lich phu quoc anh 2

Hướng dẫn viên Trương Phú Quốc chụp ảnh cùng đoàn khách du lịch. Ảnh: NVCC.

Cũng chung cảnh “tranh cơm” cho khách là anh Trương Phú Quốc, sinh năm 1999, hướng dẫn viên kiêm nhiếp ảnh thuộc công ty Plan To Travel.

Anh cho biết tình trạng này diễn ra cả vào những ngày cuối tuần. Do Phú Quốc khá tách biệt nên dịch vụ đôi khi cũng khó đáp ứng nhanh được.

Trong dịp lễ vừa rồi, Quốc cùng những anh em chạy cano, lái xe cũng thường phải “lăn vào bếp” hỗ trợ. Anh kể có chuyện khá buồn cười những dịp này là “đứng lên mất luôn đôi đũa”.

Quốc nói: “Chén đũa ở các nhà hàng có khi không đủ. Khách nào đứng lên ra ngoài một lúc, đi vào là mất đũa ngay. Nhân viên nhà hàng phải thu luôn để rửa, phục vụ khách khác. Các đoàn cũng ra vào nườm nượp. Đoàn này đứng lên, đoàn kia phải ngồi vào luôn”.

Vất vả có đáng?

Khi được hỏi về thu nhập dịp lễ, Tuyết Minh cho biết cũng khá hơn ngày thường khi được tăng công tác phí. Tuy nhiên, công việc lại vất vả, nhất là với phụ nữ.

Cô kể trong đợt vừa rồi, có lần đoàn đang đi chơi lại dính mưa. Cô cầm ô nhỏ che không đủ nên phải vác luôn ô ngoài trời (loại dùng để che bàn các quán vỉa hè) để khách khỏi ướt. Đổi lại, nữ hướng dẫn viên ướt hết người, không có quần áo thay.

 

du lich phu quoc anh 3

Khoảnh khắc nữ hướng dẫn viên cầm ô ngoài trời che cho đoàn khách. Ảnh: NVCC.

Có khách thương cũng hỏi thăm, ngỏ ý bảo cô đi mua đồ thay và sẽ cho thêm ít tiền. Tuy nhiên, cô ngại nhận khoản tiền như thế nên lịch sự từ chối. Kết quả là Tuyết Minh mặc áo ướt từ trưa đến chiều. Tối hôm đó, cô bị cảm lạnh.

“Nghề hướng dẫn viên là thế. Có mệt, có khổ bạn cũng không được cho khách thấy. Đã lên xe là phải nở nụ cười”, nữ hướng dẫn viên cho biết.

Nói với Zing, cô thừa nhận mình không thể trả lời câu hỏi đi làm dịp lễ có vui không? Bởi lẽ vui hay không cũng phải đi làm. Với những hướng dẫn viên tự do như cô, nghỉ một ngày là một ngày đói.

Tiền công tác phí dịp lễ tăng nhưng tiền tip hầu như Tuyết Minh không nhận được mấy. Cô chia sẻ trung bình 3 ngày đi tour, cô được tip 500.000 đồng. Tuy nhiên, những người làm du lịch có “luật ngầm” là nếu tip trên xe, hướng dẫn viên và tài xế sẽ chia đôi. Vì thế, số tiền tip thực cũng không đáng bao.

May mắn hơn Tuyết Minh, Phú Quốc cho biết mình được tip khoảng 500.000-1 triệu đồng/ngày do kiêm thêm mảng chụp ảnh. Nếu biết tạo niềm vui, có ảnh đẹp cho khách, họ sẽ thường tip thêm.

“Ngày làm việc cũng vất vả. Tôi thường đi làm về lúc 18h. Ngủ được một lát tới 21h lại dậy, chỉnh ảnh trả khách. Xong xuôi cũng phải 2-3h. Nhìn chung, mỗi ngày nghỉ đâu đó được 4, 5 giờ. Tuy nhiên, lương đợt này cũng được nhân 3 và thêm tiền tip nên tôi cũng vui vẻ”, anh nói.