Chủ quán hủ tiếu ở TP.HCM hầm 1 tấn xương bán mỗi ngày: Từ bồi bàn nay mở 14 quán
Ngày 13 Tháng 07, 2022
Không phải ai cũng biết đôi vợ chồng đứng sau thương hiệu hủ tiếu nam vang Thành Đạt, với 14 quán ‘phủ sóng’ hầu khắp TP.HCM từng làm phục vụ bàn suốt nhiều năm. Bí quyết gì đã biến họ trở thành những ông bà chủ như ngày hôm nay?
6 năm mở 14 quán, bán 24/24
Trưa trưa, chúng tôi ghé quán hủ tiếu Thành Đạt tại số 18 Lý Thái Tổ (P.2, Q.3) và bất ngờ vì đông nghẹt shipper đủ các màu áo đỏ xanh vây kín trước cửa chờ nhận đơn.
Trong không gian quán rộng rãi, tương đối đông thực khách ngồi ăn, còn chục nhân viên thì nhanh tay lẹ chân làm những phần ăn để khách, shipper không phải chờ đợi lâu.
Giữa trưa, shipper chờ nhận món trước quán
Quán sạch sẽ, không gian rộng rãi
Anh Nguyễn Ngọc Bạn (34 tuổi, chủ quán) thấy tôi niềm nở ra tiếp đón, nói đây là giờ cao điểm quán đón khách. Theo anh, hôm nay như vậy vẫn chưa quá đông vì còn có những ngày quán “thất thủ” hơn nữa.
Năm 2012, anh Bạn từ quê Đồng Tháp lên Sài Gòn lập nghiệp, và làm phục vụ bàn trong một quán ăn của người quen. Từ đây, anh cũng quen được một cô bạn đồng nghiệp, cũng rời quê Bạc Liêu lên làm phục vụ ở quán đó cũng gần chục năm trời.
Năm 2015, anh chị chính thức nên vợ nên chồng. Sau khi về chung một nhà, anh chợt nhận ra 2 vợ chồng không thể nào chỉ làm phục vụ mãi, vì với tổng thu nhập hằng tháng 9 triệu đồng lúc đó, không thể nào lo cho cuộc sống gia đình về sau.
Nhân viên tất bật làm việc để shipper, khách không chờ lâu
Giữa năm 2015, với 150 triệu đồng tiền tích cóp suốt nhiều năm làm phục vụ, vợ chồng anh không làm tạp vụ nữa mà ra mở một quán hủ tiếu riêng, mang thương hiệu Thành Đạt ở Q.Tân Bình, như hy vọng của họ về sự thành công, phát đạt của quán. Với kinh nghiệm đi làm suốt nhiều năm, cũng như không ngừng tìm tòi, học hỏi và cải tiến, anh chị đã có cho riêng mình một công thức nấu hủ tiếu nam vang không giống với bất kỳ đâu.
“Nhưng mấy ngày đầu mở quán, vắng khách kinh khủng. Nhưng chắc nhờ trời thương, vợ chồng tôi cũng có duyên buôn bán, nên khách tìm đến quán càng ngày càng đông. Dần dà, chúng tôi có một lượng khách ruột ổn định”, anh mừng nhớ lại.
Càng về trưa, đơn hàng bán qua app của quán càng đông hơn
Ăn nên làm ra, 8 tháng sau, anh mở thêm 1 chi nhánh, 5 tháng tiếp, vợ chồng anh lại tiếp tục có 1 chi nhánh mới. Ngót nghét 6 năm trôi qua, vợ chồng anh đã có 14 quán ăn. Từ những ngày đầu đến nay, quán bán 24/24, để chiều lòng thêm nhiều khách đi làm, đi chơi về khuya có một địa chỉ tin cậy ghé ăn lót dạ.
“Bí quyết nào để tô hủ tiếu của anh chị được khách mê tới vậy?”, PV hỏi. Chủ quán cười rồi nói bí mật nằm trong nước dùng của tô hủ tiếu, vì mỗi ngày quán hầm hơn 1 tấn xương, cho 14 chi nhánh. Thêm vào đó, nguyên liệu tươi ngon được nhập về hằng ngày cũng tạo cho thực khách có một sự trải nghiệm ẩm thực thú vị.
Phần hủ tiếu đắt nhất quán, giá 100.000 đồng
“Mình nấu bằng cái tâm của mình thì mọi thứ đều sẽ ngon, khách ăn cũng sẽ thấy được điều đó mà. Đó là lý do mà hằng ngày quán tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn từ thực khách Sài Gòn”, chủ quán tự hào.
Kế hoạch về 100 xe hủ tiếu “take – away”
Hiện mỗi phần hủ tiếu quán bán có giá từ 40.000 – 65.000 đồng, đặc biệt có tô giá 100.000 đồng. Anh tự hào về phần hủ tiếu có thêm xí quách của quán mình, cục xí quách to “tổ chảng” mà khách rất yêu thích.
Giờ trưa, chị Quỳnh Như (20 tuổi, ngụ Q.3) cùng người thân ghé quán hủ tiếu Thành Đạt gần nhà để ăn. Hơn 1 năm trước, vô tình chị ăn ở quán này, từ đó mê luôn cái hương vị của nước hầm xương lúc nào không hay. Hầu như tuần nào chị cũng ghé đây ăn cho đỡ thèm.
Mỗi ngày, hệ thống quán hầm hơn 1 tấn xương làm nước dùng
Nguyên liệu được thực khách nhận xét tươi ngon
“Không hiểu sao mình thích cái nước dùng của quán, ngọt từ xương á. Mọi thứ khá vừa vặn cũng như nguyên liệu tươi ngon không chê vào đâu được, ăn vô là biết liền. Tất nhiên nếu cứ giữ được chất lượng này thì mình vẫn còn ủng hộ quán dài dài”, chị nói.
Kế bên, anh Nguyễn Tùng (31 tuổi) tâm sự anh là người miền Bắc, chủ yếu chỉ thích ăn phở. Từ ngày vào TP.HCM, anh còn mê luôn cái hương vị hủ tiếu bán ở đây. Theo anh mỗi quán đều có một vị đặc trưng riêng, nhưng Thành Đạt có hương vị riêng không trộn lẫn với bất kỳ đâu. Chính vì hợp khẩu vị, đã khiến anh thường xuyên ghé ủng hộ quán suốt nhiều năm qua.
Chị Quỳnh Như là khách ruột của quán suốt nhiều năm qua
Anh Tùng cũng “mê” vị hủ tiếu Thành Đạt
Hiện hệ thống quán có hàng trăm nhân viên, đa phần đều là người thân, đồng hương miền Tây được anh chủ tạo công ăn việc làm. Thời gian tới, anh Bạn còn ấp ủ thực hiện ý tưởng mở 100 xe hủ tiếu lưu động bán theo dạng “take-away”, để phục vụ khách mua mang đi.
“Tôi luôn mong dù ăn tại quán hay mua mang về, khách đều được thưởng thức một tô hủ tiếu trọn vẹn còn nóng hôi hổi. Với tôi, thương hiệu hủ tiếu này là cuộc đời, là tuổi trẻ của 2 vợ chồng suốt nhiều năm gây dựng. Nó đã biến vợ chồng tôi từ một tạp vụ với mức lương thấp, nay cuộc sống đã ổn định hơn”, anh chủ tâm tình.