Cẩm nang nghề nghiệp

Phương pháp bảo quản thực phẩm Tết được dài ngày

Ngày 29 Tháng 07, 2020

Ngày Tết, nhiều gia đình có thói quen chuẩn bị nhiều loại thực phẩm và dự trữ trong nhiều ngày. Để bảo đảm thực phẩm luôn tươi ngon, an toàn cho sức khỏe, các bà nội trợ cần chú ý cách bảo quản đối với từng loại thực phẩm.

Bánh chưng

Bánh chưng là món ăn ngon truyền thống, tương đối cân bằng các nhóm thực phẩm (glucid, protein, lipid) và giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu không được bảo quản đúng cách, bánh rất dễ bị ôi, thiu, lên mốc khiến người ăn có thể bị ngộ độc, rối loạn tiêu hóa…, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Nên để bánh chưng ở nơi khô thoáng, không bụi bặm, ẩm thấp.

 

Để bảo quản bánh chưng, nên để bánh ở nơi khô thoáng, không bụi bặm, ẩm thấp; nếu thời tiết nóng thì có thể bảo quản bánh trong ngăn mát tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần còn lại nên dùng màng che thực phẩm bao kín.

Khi lấy bánh trong tủ lạnh ra, cần luộc, hấp lại hoặc rán trước khi ăn. Tuy nhiên, nên hạn chế rán bánh vì như vậy đã làm tăng thêm lượng chất béo (dầu/mỡ) vào trong khẩu phần ăn hằng ngày, không có lợi cho sức khỏe.

Giò chả

Cách bảo quản giò lụa, giò bò, chả là cho vào ngăn mát tủ lạnh hoặc khu vực có nhiệt độ dưới 25 độ C. Nếu được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, giò, chả có thể để được từ 4-6 ngày, còn ngăn đá thì có thể giữ giò, chả được trong khoảng 10-20 ngày.

Mứt

Các loại mứt thường chứa nhiều đường nên rất dễ bị chảy nước và nấm mốc. Muốn bảo quản mứt lâu hơn, chúng ta nên cho mứt vào lọ hoặc túi ni lông, phủ một lớp đường trắng lên trên (để hút ẩm bên trong) và gói kín lại.

Các loại mứt thường chứa nhiều đường nên rất dễ bị chảy nước và nấm mốc

 

Khi ăn, chỉ nên lấy ra một lượng nhỏ, tránh dồn những phần mứt còn thừa trở lại túi hay lọ. Đối với loại thực phẩm này, bạn không nên cho vào tủ lạnh vì khi bỏ ra ngoài sẽ hút ẩm, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.

Thịt, cá

Thịt, cá tươi sống khi mua về cần được làm sạch, cho vào hộp, túi ni lông, buộc kín và bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Khi bảo quản trong tủ lạnh, nên chia thịt, cá ra các phần nhỏ, dán tem ghi ngày, giờ bắt đầu bảo quản. Khi sử dụng, hãy dùng những thực phẩm có thời hạn dùng gần nhất.

Khi bảo quản trong tủ lạnh, nên chia thịt, cá ra các phần nhỏ vừa ăn

 

Lưu ý, cần tách riêng thực phẩm sống và các thực phẩm khác khi bảo quản trong tủ lạnh để tránh làm bám mùi và nhiễm khuẩn chéo. Chỉ nên rã đông thịt, cá đã trữ đông 1 lần rồi dùng hết, không nên rã đông xong lại cho vào ngăn đông bảo quản tiếp để tránh làm thực phẩm bị biến đổi mùi vị, màu sắc, chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trứng

Mẹo nhỏ khi bảo quản trứng trong tủ lạnh là đặt đứng trứng lên khay, theo chiều đầu to hướng lên trên sẽ giúp trứng tươi lâu hơn.

Rau, củ, quả

Khi mua các loại rau, củ, quả, chúng ta nên chọn những sản phẩm còn tươi, có màu sắc tự nhiên, không dập nát, héo úa hay có mùi lạ… Rau, củ, quả sau khi mua về cần nhặt bỏ những phần bị héo úa, rửa sạch, để ráo nước và cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Ngoài ra, nên thường xuyên kiểm tra và loại bỏ ngay những phần rau, củ, quả bị hỏng, dập nát để tránh làm hỏng phần rau củ, trái cây bên cạnh.

Bảo quản rau, củ, quả trong ngăn mát tủ lạnh

 

Thực phẩm đã nấu chín

Các loại thực phẩm sau khi đã nấu chín, nếu muốn bảo quản phải để nguội rồi mới cho vào tủ lạnh bởi nếu cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh sẽ làm thức ăn bị biến chất, ngưng đọng hơi nước, gây hại đến các thực phẩm khác và tác động không tốt cho sức khỏe khi ăn.

Đối với thức ăn đã nấu chín, nên cho vào hộp kín và đậy nắp lại để tránh bị ảnh hưởng từ các thực phẩm sống.