Chuyện nghề

Nghỉ Việc – Cất Bằng, Tôi Đi Làm Công Nhân…

Ngày 22 Tháng 03, 2021

Cất vội tấm bằng Cử nhân Quản trị Khách sạn vào ngăn tủ. Ngày mai, tôi chính thức trở thành Công nhân. Nghề may. Ở một xí nghiệp nhỏ. Thời buổi dịch dã, tôi mất việc vì ngành du lịch “chết yểu”, nay tìm việc – kiếm tiền đã khó, lấy đâu ra kén chọn…

nghỉ việc - cất bằng, tôi đi làm công nhân

Từ quản lý khách sạn 4 sao, giờ làm công nhân học việc

Tôi mất 4 năm theo học chuyên ngành Quản trị khách sạn tại một trường công lập có tiếng ở phía Nam, tốt nghiệp loại Giỏi và thêm 6 năm kinh nghiệm làm việc trong nghề khách sạn, đi lên từ Lễ tân, sang Tổ trưởng, Giám sát và cán mốc Trưởng bộ phận Tiền sảnh sau nhiều năm cống hiến. Những tưởng công việc ổn định, cơ hội thăng tiến tốt. Ai mà ngờ, dịch bệnh xảy đến bất ngờ. Từ trăn trở cắt giảm nhân viên, cho nghỉ không lương đến nghỉ hẳn cơ số bạn trẻ, mới vào làm, rồi cũng đến ngày tôi đành ngậm ngùi ra đi. Vì khách sạn cạn nguồn vốn dự phòng. Vì không còn khách. Vì chủ đầu tư bất lực…

Nằm nhà gần 1 năm. Khoảng thời gian đó tôi có lên khách sạn vài lần, sau mỗi đợt dịch cơ bản được khống chế, nhà nước khuyến khích khách nội địa đi du lịch. Nhưng khách lưu trú lác đác, công việc không nhiều, hỗ trợ chả bao nhiêu. Chưa kể, 4,5 lần bị dịch dập, cơ sở nào cũng bị ảnh hưởng, không nhiều thì ít. Thế nên, ở lần bùng phát dịch gần nhất, tôi quyết định thôi không mong đợi nữa.

Áp lực về trách nhiệm với bản thân và gia đình không cho phép tôi chán nản hay nghĩ tiêu cực, càng không được rảnh tay chân mà nghỉ ngơi thêm nữa.

Thế là… Tôi tìm việc.

Bằng cấp, chuyên môn hay kinh nghiệm làm việc thực tế gần như không thể dùng được. Khi mà mọi nhân sự ngành đang nơm nớp nỗi lo bị cắt giảm, sa thải – tôi nào dám “cướp chén cơm” của đồng nghiệp mình (đấy là chưa kể không thể cướp nỗi, dù từng được chào mời và đánh giá cao). Nhưng làm việc khác là làm gì? Ngoài làm khách sạn, tôi chẳng có kiến thức, kỹ năng hay kinh nghiệm ở bất kì ngành nghề, lĩnh vực nào khác.

Có người mách tôi làm công nhân.

Công nhân may là phù hợp và tiềm năng nhất.

Trên Tuyencongnhan.vn (website việc làm chuyên nhà máy, khu công nghiệp), rất nhiều tin tuyển công nhân may để tham khảo. Đặc biệt, không thấy đòi hỏi kinh nghiệm hay bằng cấp tại mục yêu cầu công việc. Thế là tôi tạo CV – nộp hồ sơ online để ứng tuyển – được gọi đến phỏng vấn – phỏng vấn thành công – hẹn sang tuần sau đến nhận việc.

nghỉ việc - cất bằng, tôi đi làm công nhân

Choáng nhưng buộc phải chấp nhận… vì mưu sinh

Do chẳng biết gì về thao tác máy may, xỏ kim, kéo vải… Tôi được tạo điều kiện để học việc. Với chị My, công nhân may mẫu tại xí nghiệp X. Con gái mà, học may nhanh lắm. Tôi mất 1 tuần để học thuộc quy trình và cách may- ráp một chiếc áo sơ mi đơn giản.

Bắt đầu làm công nhân may chính thức, công việc và thu nhập có thể nói là ổn định (thấp) nhưng chẳng mang lại niềm vui và sự phấn khởi, háo hức trước mỗi ca làm việc. Vì tôi yêu nghề khách sạn. Tôi quen tay, quen việc. Tôi nhớ nghề.

Những ngày đầu, vào mỗi sáng thức dậy, tôi bị choáng. Vì chưa tin mình đang làm công nhân may. Vì bàng hoàng không nghĩ du lịch có ngày “chết đứng”.

Thế nhưng phải làm gì bây giờ? Làm gì còn công việc nào khác trong nghề để bám víu? Làm gì để có việc làm cho đỡ nhàn rỗi, có tiền chi tiêu cho bớt cảnh nghèo đói đây?

Nên chấp nhận thôi!

Cứ coi như “làm tạm” để “đợi nghề. Chắc 1-2 năm nữa, khi vaccine được tiêm đại trà và mang lại hiệu quả cao, du lịch sẽ lại phục hồi, du khách sẽ lại đi chơi, nghỉ dưỡng, nhân sự nghề sẽ lại có việc để làm, có tip, service charge… và nhiều nhiều những niềm vui nhỏ to cùng nghề. Nghĩ tới đó thôi cũng đã an ủi được phần nào.

nghỉ việc - cất bằng, tôi đi làm công nhân

Sau này, hãy gặp nhau khi nghề hưng thịnh!

Ngày chia tay, ai cũng buồn. Nhìn những ánh mắt tiếc nuối khi nghề, thu nhập từ nghề đang cực kì ổn định, họ luôn đặt niềm tin sẽ gắn bó lâu dài với công việc này. Vậy mà…

Nhiều người bỏ nghề hẳn. Số khác thì tìm việc làm tạm. Một ít may mắn hơn thì được giữ lại với nghề, tại chỗ làm cũ hoặc xin được nơi mới. Tuy nhiên, một năm gặp lại rồi hỏi “Nhớ nghề không?” – phần đa trả lời “Có”.

Tôi vẫn giữ liên lạc với anh chị em cùng khách sạn. Chúng tôi thi thoảng chat hỏi thăm sức khỏe và tình hình công việc của nhau trong nhóm zalo. Không ai bảo ai, tất cả dường như vẫn đang đợi nghề. Khi du lịch bắt đầu hưng thịnh trở lại, lượng khách đông, công việc nhiều, nhu cầu tuyển dụng cao… họ sẽ quay về ứng tuyển. Họ hứa. Và họ chắc chắn giữ lời. Tôi cũng tin như thế. Một người quản lý có đủ thời gian và sự nhạy bén để hiểu được cái tâm và đạo đức nghề của mỗi cá nhân trong bộ phận. Khi tình yêu và đam mê làm nghề của họ đủ lớn, đãi ngộ khách sạn đủ hấp dẫn hoặc xứng đáng, môi trường làm việc đủ chuyên nghiệp và tình cảm… khi đó, rất khó để nói lời tạm biệt.

nghỉ việc - cất bằng, tôi đi làm công nhân

 

Hiện tại, một lần nữa, dịch được kiểm soát tốt. Thế nhưng, với lượng khách nội địa ít ỏi và lác đác dàn trải trên phạm vi cả nước, việc kinh doanh cũng sẽ ảm đạm ở mức cầm chừng. Nhiều cơ sở kinh doanh du lịch e dè chưa vội mở cửa. Tôi cũng chưa vội quay lại với nghề…

Từ Thy