Cẩm nang nghề nghiệp

Khách sạn trong “cuộc chiến” giành khách

Ngày 01 Tháng 07, 2021

Các đại lý du lịch, các trang du lịch trực tuyến, các hãng hàng không đang cạnh tranh giành khách gay gắt với khách sạn, khiến khách sạn rất khó bán hàng trực tiếp cho khách mà phải chấp nhận khách từ trung gian, và tất nhiên phải trả tiền hoa hồng.

Để không bị bên trung gian chi phối và chủ động tìm kiếm khách hàng, khách sạn chỉ có thể bằng cách đơn giản hóa tiến trình đặt phòng trực tuyến theo hướng nhiều lựa chọn, cụ thể và linh hoạt.

TRUNG GIAN ĐANG THẮNG THẾ

Tuy nhiên, không dễ cho các khách sạn khi các bên trung gian như nói trên buông phần lợi nhuận lớn này. Bà Dara Khosrowshahi, Giám đốc Điều hành Expedia, một công ty du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới, cho biết: “Chúng tôi đặt ưu tiên hàng đầu vào đổi mới công nghệ để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khách hàng về tìm kiếm và đặt phòng khách sạn. Chúng tôi thấy rất nhiều cơ hội, do đó, phải đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ để tạo ra những sản phẩm ngày càng tốt hơn, từ đó thu hút khách ngày một đông”.

Thật đáng ngạc nhiên, chính các công ty du lịch trực tuyến cạnh tranh mạnh mẽ để kiểm soát phần lớn “miếng bánh” trong lĩnh vực đặt phòng khách sạn và có thể sẽ quyết định việc phân phối phòng khách sạn trên toàn cầu trong tương lai không xa.

Một điểm quan trọng khác gây sức ép lên các khách sạn, chính là các nhà bán lẻ du lịch trực tuyến đã bỏ ra hàng triệu USD tiếp thị để thu hút khách hàng truy cập vào trang web của mình. Chẳng hạn, trong năm 2012, Expedia đã gia tăng chí phí quảng cáo lên đến 40%, đạt 870 triệu USD, chiếm 22% doanh thu của họ. Hoặc Priceline lấy 25% doanh thu để chi phí cho quảng cáo, và trong ba năm qua đã bỏ ra một ngân sách quảng cáo lên đến 1,27 tỷ USD.

Tuy nhiên, vẫn có dư địa để các khách sạn cạnh tranh với các nhà trung gian bán lẻ này. Có thể học theo cách mà các công ty du lịch trực tuyến đang làm, như có sự so sánh giá giữa các thương hiệu, chiết khấu theo gói, vẽ ra chi tiết những hấp dẫn của điểm đến, để tạo ra các lợi thế cho mình.

Muốn thế, các khách sạn phải đầu tư mạnh vào mảng trực tuyến để bắt kịp các trung gian bán lẻ này. Đã có nhiều tín hiệu tích cực cho điều này khi nhiều khách sạn bắt đầu “trau chuốt” lại website để gia tăng độ nhận biết thương hiệu, bằng việc cải thiện công cụ tìm kiếm và đưa thêm tính năng so sánh giá phòng và giá các dịch vụ. Một số khách sạn mở ra trang bình luận cho khách hàng hay nhúng vào TripAdvisor để buộc khách khó mà rời trang web của mình.

BA CÁCH ĐỂ THÀNH CÔNG

Rõ ràng, để thắng “cuộc chiến” này, các khách sạn phải linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, tạo ra tiến trình đặt phòng đơn giản hơn và để cho khách nhiều sự lựa chọn hơn, tức phải giảm được sự rắc rối, lãng phí thời gian, tiền bạc cho chính khách hàng lẫn khách sạn, trong khi vẫn phải duy trì tính nhanh nhạy với các điều kiện cạnh tranh.

Nền tảng là phải đáp ứng được trải nghiệm khách hàng thông qua tính linh hoạt và có cái nhìn sâu sắc về khách hàng. Qua đó, khách sạn tạo ra sự khác biệt với những trung gian bán lẻ trong việc trực tiếp thu hút khách hàng.

Dịch vụ khách hàng phù hợp. Nhiều công ty du lịch trực tuyến có thể kiểm soát trải nghiệm khách hàng tốt hơn khách sạn, nhưng họ vẫn dựa trên những yếu tố cá nhân hóa, tức dựa trên sở thích và hành vi của khách. Nếu như khách sạn chọn cá nhân hóa bằng việc chào đón khách hàng bằng đầy đủ tên, họ, biết sở thích của khách về kỳ nghỉ theo cách đặc biệt nhất thì sẽ đạt được mục đích khách phải đăng ký phòng trực tuyến với mình.

Linh hoạt sản phẩm. Nếu trang web của các khách sạn không cho khách nhiều lựa chọn về thời gian, mức giá, loại hình phòng,… thì khách khó có cái nhìn cận cảnh về khách sạn. Do đó, khách sạn nên cung cấp cho khách nhiều lựa chọn hơn về thuộc tính phòng và các dịch vụ nhằm giúp họ dễ dàng trong việc hoạch định kỳ nghỉ. Khách sạn cũng nên tạo ra nhiều gói khuyến mãi để gia tăng tính hấp dẫn với khách hàng.

Am hiểu khách hàng. Nếu trung gian bán lẻ có sự giàu có về dữ liệu thông tin khách hàng thì khách sạn có thế mạnh biết rõ sở thích của khách theo ý nghĩa cá nhân hóa đặc trưng trong thời gian khách lưu trú trước đây. Trên cơ sở đó, khách sạn sẽ có nhiều tùy chọn hấp dẫn hơn hẳn các trung gian bán lẻ.

Nhìn chung, để cạnh tranh được với đại lý du lịch trực tuyến về đặt phòng trước và duy trì lòng trung thành của khách hàng thì web của khách sạn phải đơn giản nhưng thật hấp dẫn, đáng xem để lôi kéo khách.

Thiên Thảo (Training Dept of VAAC)