Vương Trà Minh Hoàng – Phó quản lý quầy bar The Racha Room: Tâm huyết với nghề để “sống” với nghề
Có duyên học ở Trường Quản lý Khách sạn Việt-Úc (VAAC) trước khi ra làm nghề chính thức tại The Racha room (12-14 Mạc Thị Bưởi, Q.1, TP.HCM) và hiện là phó Quản lý quầy Bar ở đây, chàng trai sinh năm 1991 nói về nghề bartender (pha chế) như vậy. Minh Hoàng nhấn mạnh “tâm huyết với nghề thì mình sẽ luôn học hỏi để trưởng thành và thành công”.
Bạn là một người như thế nào trong công việc?
Tôi coi chỗ làm việc như ngôi nhà thứ hai của mình vậy. Hằng ngày, bắt đầu làm việc từ 4g chiều tới 2g sáng hôm sau, thậm chí, có những ngày nghỉ tôi cũng vào để lắng nghe những phản hồi của khách và ghi nhận những phản ánh để xử lý – đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình yêu nghề, hay như tôi nói, là tâm huyết của người làm nghề này, phục vụ cho khách những món cocktail, thức uống thật ngon.
Tôi làm việc say mê và học nghề cũng thật say mê – từ những ngày đầu làm phục vụ tại khách sạn, mon men đến với nghề thông qua một… “người thầy đầu tiên”, người mà tôi gọi là sư phụ – anh Nguyễn Quang Trường Thọ. Và đến nay, khi làm quản lý ở một nơi làm việc lý tưởng, niềm yêu nghề và học hỏi về nghề đối với tôi vẫn chưa bao giờ cạn.
Tôi luôn đặt tiêu chí cho chính mình trong nghề cũng như các bạn đồng nghiệp là: nhanh, gọn, sạch sẽ. Ba tiêu chí đó, nếu mình đáp ứng càng tốt chừng nào thì càng giúp mình nâng cao kỹ năng với nghề chừng đó, đồng thời cũng làm cho khách càng hài lòng bởi khách đến quầy bar thường ngồi xung quanh chỗ nhân viên pha chế làm việc. Chính vì vậy, nghề này cũng là một nghề nghệ thuật, mang tính biểu diễn, sáng tạo cao.
Nghe bạn nói về nghề này thật thú vị. Vậy, cơ hội đến với nghề của bạn như thế nào?
Trước khi thực sự tới với nghề, như tôi nói, có “sư phụ” đã chỉ cho tôi cơ bản, với kỹ năng pha chế các món cocktail, tuy nhiên tôi chỉ biết pha chế thôi chứ rất nhiều kiến thức căn bản khác thì chưa có. Do vậy, “sư phụ” đã khuyến khích tôi đi học, nên đi học để hiểu hơn về nghề và làm nghề một cách chuyên nghiệp hơn.
Lúc đó, tôi có tìm hiểu, nghĩ tới một vài trường, nhưng rồi có duyên (một cách tình cờ), đi ngang đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), thấy Trường Quản lý Khách sạn Việt-Úc, thế là vào hỏi thăm, sau đó đã đăng ký khóa học về bartender tại trường. Trong suốt khóa học, lớp tôi được thầy Trương Thanh Trung chịu trách nhiệm giảng dạy.
Thầy cung cấp cho tôi rất nhiều thông tin bổ ích về các loại rượu, về việc pha loại nào với loại nào, hàm lượng bao nhiêu, gia giảm như thế nào để có ly cocktail ngon. Từ đó, tôi đọc thêm sách, luyện tập tại nhà, tại công viên, nghiên cứu và sáng tạo theo sự hiểu biết của mình cho đến khi thực sự bước hai chân vào nghề.
Như tôi đã nói, tôi rất yêu nghề. Ngay từ hồi học, hễ rảnh lúc nào hay về nhà là lấy chai ra luyện, rồi có thời gian là chạy ra công viên Lê Thị Riêng (đường Cách Mạng Tháng Tám) để “quăng chai” biểu diễn. Chai bể cũng nhiều mà mình u đầu cũng không ít. Nói chung, phải chịu khó khổ luyện thì mới thành. Đối với nghề này, ai đã theo thì sẽ rèn cho mình sự chịu khó, sức khỏe, mạnh mẽ…
Thời gian đó, còn làm ở khách sạn, ở chỗ làm có quầy bar nên có lúc tôi cũng tự pha, tự thưởng thức và… tự khen (cười). Sau này đi làm, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người làm cùng ngành, họ ở nước ngoài sang training cho nhân viên và mượn nơi mình làm để tổ chức những buổi như vậy nên tôi càng có cơ hội để học hỏi, tích lũy thêm.
Kết quả khóa học và ấn tượng về trường của bạn?
Hồi đó, tôi tốt nghiệp loại giỏi với hai điểm mười thuộc về lý thuyết lẫn thực hành. Đó là động lực để tôi nỗ lực hơn nữa trong công việc và càng khiến mình tâm huyết hơn với bartender. Trường là nơi đã cho tôi thêm vững chãi trong nghề từ kiến thức, kinh nghiệm mà giảng viên truyền đạt. Ấn tượng của tôi với trường chính là việc dạy ở đây rất thực tế, giúp học viên bản lĩnh hơn. Những ai đã yêu nghề thì học nghề tại trường sẽ càng yêu thích nghề mình hơn.
Như bạn nói, nghề này phải khổ luyện nhiều…?
Đúng như vậy. Vì không phải tự nhiên giỏi nghề. Luôn học hỏi, không chỉ ở trường mà còn ở thực tế công việc. Tất nhiên, ai theo đuổi nghề này thì phải… đánh đổi nhiều thứ như sức khỏe, thời gian… Trong khi người ta đã nghỉ ngơi, đang đi chơi thì bạn vẫn phải làm, với giờ giấc làm việc khuya, đến gần sáng, lúc mọi người dậy đi tập thể dục thì mình mới tan ca về nhà. Hay ngày lễ, Tết, khi gia đình mọi người sum vầy thì mình vẫn phải làm việc.
Song, cái gì cũng có hai mặt của nó. Bạn cũng sẽ được rất nhiều từ nghề, như bạn sẽ được tiếp xúc với nhiều đối tượng, lắng nghe họ chia sẻ, có thể trở thành bạn của nhau trong khi cùng đồng cảm với một thức uống mới ra hay một loại đã quen thuộc nhưng được pha với một vị đặc biệt. Nhìn tâm trạng của khách và hiểu họ để có một ly cocktail giúp họ dịu xuống, chuyển hóa nỗi buồn, để họ vui khi thưởng thức món uống cũng chính là niềm vui, là cái tâm của người làm nghề.
Trong suốt quá trình theo nghề, tôi đã rút ra điều đó và nghĩ, một bartender giỏi là bartender có khả năng hiểu được tâm lý người khách của mình qua nét mặt để mình có thể giúp được họ thông qua thức uống mình pha. Ba tôi là một đầu bếp, tôi theo nghề bartender, từ đó, điều mà tôi nhận ra trong nghề ẩm thực này chính là ở chỗ phục vụ người ta ăn uống ngon chính là niềm hạnh phúc…
Vậy, tuổi thọ của nghề như thế nào? Làm sao để sống với nghề một cách lâu bền?
Tuổi thọ của nghề đối với mỗi người khác nhau, vì nó phụ thuộc vào cách mình gắn bó với nghề theo phương thức nào. Có thể đó là một người làm nghề pha chế tại các quầy bar, nhưng bạn cũng có thể trở thành chuyên gia trong các công ty thực phẩm công nghệ có cung cấp nguyên liệu pha chế cocktail, hoặc tham gia giảng dạy…
Tôi cũng có nghĩ tới việc sẽ đi dạy, sẽ gửi gắm những gì mình đã học, đã trải nghiệm từ thực tế công việc với những ai yêu thích nghề bartender. Và thực ra, tôi cũng đang có… hai đệ tử, một trong hai em đang làm nghề rất tốt và cũng được tôi giới thiệu đến học tại Trường Quản lý Khách sạn Việt-Úc (VAAC).
Cám ơn bạn đã dành thời gian chia sẻ. Chúc bạn thành công trong sự nghiệp của mình!
Theo LƯU ĐÌNH LONG (Ẩm Thực & Khách Sạn)