Trần Thanh Lung: “Chọn nghề mình thích và theo đuổi để thành công”

Ngày 01 Tháng 07, 2019

Chàng trai sinh năm 1988 ở Đất Đỏ thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu đã cởi mở chia sẻ đường đến với nghề bartender của mình như thế. Trần Thanh Lung cho biết, đó là khi anh quyết định học ở Trường Quản lý Khách sạn Việt Úc vào năm 2010, sau khi ra trường, xin việc vào khách sạn Park Hyatt tới nay…

Chọn nghề phù hợp

Khá điềm đạm, hiền lành, Trần Thanh Lung cho biết, anh từng học Đại học, ngành Công nghệ thông tin, dù đến năm thứ 4, nhưng Lung vẫn… bỏ, vì thực sự thấy không hợp với nghề đã chọn. Đó là “hệ quả” của việc chọn đại ngành học và trường thi vì cũng nghĩ “ngành đó đang hot, dễ xin được việc…”, như bao lựa chọn của học trò vùng quê – vốn thiếu những định hướng, tư vấn nghề nghiệp từ phía nhà trường.

Trước đó, trong thời sinh viên, Lung từng đi dạy thêm, cũng thích đó, nhưng rồi đi làm thêm công việc phục vụ ở một nhà hàng khiến anh nhận ra, nghề Lung thích hợp hơn, phù hợp với con người anh chính là dịch vụ, mảng ẩm thực nhà hàng – khách sạn. Vì thế, khi quyết định bỏ gần 4 năm học Đại học để học nghề bartender, ban đầu cũng gặp vài lo lắng từ phía gia đình, nhưng rồi “sau khi nghe mình thuyết phục, ba mẹ cũng đồng ý, ủng hộ con theo đuổi nghề mình thích”.

Được tư vấn nhiều nhưng cuối cùng Lung quyết định chọn Trường Quản lý Khách sạn Việt Úc để học, và rồi càng học càng thích “không chỉ vì môi trường đào tạo ở đây chuyên nghiệp, cung cấp các kiến thức cần thiết cho nghề của mình mà còn vì mình nhận ra mình đã lựa chọn đúng, thay đổi nghề là cần thiết”.

Hai năm học ở Việt Úc, Lung nhận định: “Giảng viên của trường là những người có kinh nghiệm thực tế, đang làm tại các nhà hàng, khách sạn 5 sao nên những bài giảng, ở mỗi buổi học đều mang tới cho người học kiến thức bổ ích, thực tiễn”.

Đến khi đi làm, “nhờ những kiến thức cơ bản đã học được ở Việt Úc mà công việc của Lung thuận lợi hơn, thăng tiến nhanh hơn…”, anh hoan hỷ chia sẻ.

Làm nghề bằng cái tâm

Ở môi trường làm việc với tiêu chuẩn quốc tế như khách sạn Park Hyatt, Trần Thanh Lung cho biết rất hài lòng, vì ở đây luôn có những khóa đào tạo thêm cho nhân viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thành một bartender giỏi, chuyên nghiệp. Tâm sự về nghề, Lung nói, làm nghề này ngoài kiến thức cơ bản, thì sự sáng tạo cũng rất quan trọng, đồng thời người làm nghề luôn có tâm thế thân thiện, gần gũi với đồng nghiệp, khách hàng, gạt bỏ những chi phối cá nhân từ cuộc sống của mình để phục vụ cho khách tốt nhất.

Khách đến với mình không chỉ để thưởng thức một món uống nào đó mà còn để cảm nhận và được sự chia sẻ ân cần. Vì thế, “khi tiếp xúc với khách, bạn có thể hỏi họ hôm nay thế nào, tùy tâm trạng của họ mình có thể tư vấn, chế biến một món uống khiến họ cảm thấy hài lòng, giảm bớt căng thẳng, mỏi mệt hoặc thấy vui hơn. Hay có thể đem cho họ ly nước ấm, mời họ ăn thêm một món nào đó để giữ ấm, để bớt mệt…” – Trần Thanh Lung bộc bạch.

Chính vì thế mà, có những người khách trở thành bạn bè, anh em – mà Lung rất trân trọng cũng như họ rất quý mình, xem mình như người thân thiết, tin tưởng để chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, làm nghề này, gặp được nhiều khách ở nhiều nơi trên thế giới, làm nhiều ngành nghề và có tri thức, nên mình cũng học được rất nhiều điều thú vị nếu như cởi mở và thật tâm lắng nghe, thật tâm chia sẻ.

Lung bảo, là một bartender cũng cần có kiến thức văn hóa – du lịch, để khi ngồi uống một ly cocktail, khách sẽ hỏi mình vài nơi, vài thông tin về đất nước, con người Việt Nam và mình có thể hướng dẫn để họ đi đến nơi họ cần và cảm nhận. Vì thế, bartender cũng là một hướng dẫn viên nữa.

Trần Thanh Lung say sưa nói về công việc của một bartender, rằng việc giữ tâm trạng luôn ổn định cũng là một cách thực tập để mình có quan hệ tốt đối với gia đình, bạn bè và “thượng đế” của mình (là khách hàng). Theo đó, Lung cho biết, mình không thể vì buồn phiền ở gia đình mà gây gổ với đồng nghiệp hay tỏ ra khó chịu với khách, thiếu vắng nụ cười khi làm việc; ngược lại, cũng không-được-phép đem những trục trặc ở chỗ làm về trút ở nhà, với bạn bè. Cái tâm của người làm việc, trách nhiệm cao đối với công việc là phải như thế.

Với Trần Thanh Lung, anh luôn hiểu những khó khăn của nghề, và hiểu rằng, nghề nào cũng có được, mất, cái quan trọng là mình còn đam mê và làm nghề cho tốt, gạn đục khơi trong tâm hồn thì sẽ thành công. Anh không ngại ngần chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ đi theo nghề này, ngoài đam mê thì cần kiên định, theo đuổi đến cùng, luôn học hỏi.

Là dân trong nghề, Trần Thanh Lung thấy được thị trường công việc trong lĩnh vực dịch vụ hiện có rất nhiều, bởi như ở Sài Gòn, khách sạn 5 sao mở ra ngày càng nhiều, đây là cơ hội để những ai đam mê lĩnh vực dịch vụ nhà hàng – khách sạn nắm bắt. Đối với những bạn trẻ mới học xong, đang kiếm việc, Lung nói, đừng sợ, cứ tìm tới những khách sạn, quầy bar có tiêu chuẩn 5 sao để xin việc, thử sức mình, cố gắng làm và học, chắc chắn sẽ thành công và tìm được nhiều cơ hội thăng tiến cũng như từ đó có thể học hỏi được rất nhiều…

Trần Thanh Lung, sinh năm 1988, quê ở Bà Rịa – Vũng Tàu.Trước khi đến với Hyatt Lung từng là captain cho local restautant, sau đó làm cho cafe central out let của Winsor. Kiến thức học ở VAAC giúp Lung rất nhiều trong trong việc như là: thế nào là phục vụ tốt, kỹ năng chuyên môn, tài chính, tiếp thị,…

Theo TẤN KHÔI (Ẩm Thực & Khách Sạn)