Nguyễn Diệu Anh Trâm: “Tấm bằng là kỹ năng thực tế”
Học Quản trị nhà hàng – khách sạn tại Trường Quản lý Khách sạn Việt Úc (VAAC), mới chỉ vài ba tháng Nguyễn Diệu Anh Trâm đã đi làm, sau đó nghỉ học nhưng cô khẳng định, những định hướng kiến thức tại trường, dù quãng thời gian học ngắn ngủi nhưng đã giúp Trâm được rất nhiều…
Công thức thành công: đam mê + ham học hỏi + sáng tạo
Trước khi “đầu quân” về Kokois (Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) Nguyễn Diệu Anh Trâm từng làm tại rất nhiều nơi: FTV bar, hệ thống Highland coffee, Mylife coffee, Cosmo lounge, Lush bar, Xu bar, Internos restaurant. Chính quá trình đi làm ở nhiều nơi đó đã cho Trâm rất nhiều kinh nghiệm, từ chuyên môn (pha chế) cho tới kỹ năng quản lý.
Trò chuyện với phóng viên là một Anh Trâm trầm tính, nhẹ nhàng và luôn lắng nghe, chia sẻ nhiệt tình, khiến người trò chuyện cảm thấy rất thú vị. Hỏi về nghề bartender, Anh Trâm nhắc đi nhắc lại, rằng phải có đam mê, đó là yếu tố đầu tiên dẫn mình đi sâu, đi xa trong nghề. Bởi theo Trâm, nếu có đam mê mình sẽ có thao thức về nó, tìm tòi, học hỏi, suy nghĩ để sáng tạo ra những thức uống mới, lạ, đặc biệt của riêng mình. Đã từng thi đỗ vào ngành Marketing của một trường Đại học nhưng vì nhận ra đam mê khác của mình, không dừng lại ở đó mà chính là những cảm xúc thăng hoa từ nghề pha chế nên Trâm đã chọn cho mình một con đường khác.
Thế là, cô gái sinh năm 1988, vừa đỗ Đại học đã thẳng thắn chia sẻ với gia đình là, không muốn học Đại học mà chỉ học nghề, một tuyên bố gây ngỡ ngàng nhưng với sự cương quyết của mình, Anh Trâm đã dần thuyết phục được gia đình. Đến giờ, sau những thành công bước đầu cùng sự vững vàng của bản thân trong công việc hiện tại, Trâm đã dần thuyết phục được gia đình và một phần làm thay đổi ý niệm về thành công được đa số các bậc cha mẹ định nghĩa trước đó, như phải học Đại học, phải làm một công việc nào đó theo mô-típ từ con đường Đại học…
Người có ảnh hưởng tới Trâm nhất trong những ngày đầu đến với ngôi trường Việt Úc và cũng là người khơi ngọn lửa đam mê với nghề trong đó là thầy Kim, một giảng viên có kinh nghiệm, vui vẻ, tận tâm. Và ngọn lửa ấy rực rỡ hơn khi cô có cơ hội gặp gỡ và học hỏi, chia sẻ với Mr.Robert – xuất thân từ cuộc thi Bartender thế giới – World Class mùa đầu tiên. Anh là một Bartender tài giỏi, khiêm nhường và sống với nghề bằng cả tấm lòng. Chàng trai người Đức đã dùng trái tim và tình yêu của mình để sáng tạo ra những món cocktail mang đậm tâm hồn người Việt.
Như một yếu tố quan trọng nhất – lắng nghe để hiểu văn hóa vùng miền, quốc gia, thói quen ăn uống cũng như tâm lý của khách, và vì thế, người làm nghề pha chế, theo Trâm không chỉ cần có kỹ thuật pha, nhạy bén mùi vị, mà còn phải là người tinh tế, nhìn người một cách sâu sắc để có thể trở thành bạn của họ. Từ đó, mình sẽ phục vụ họ tốt hơn, đó cũng chính là nâng tay nghề và kinh nghiệm của bản thân mình lên cao, Anh Trâm tâm đắc bày tỏ.
Sống trọn với nghề bằng tình yêu
Qua những chia sẻ với phóng viên, cho thấy Anh Trâm là một người rất nhiệt huyết với nghề. Cô gái này cho biết, vì rất thích ngành học và ngôi trường đã dạy mình, biết ơn vị thầy và người anh đồng nghiệp nên Anh Trâm phải cố gắng hơn, để có thể thành công hơn trong nghề. Nhớ một ai đó, biết ơn một điều gì đó không cần phải nói nhiều mà phải làm nhiều, khẳng định hướng đi một cách đúng đắn, góp phần làm sáng nghề – đó mới chính là cách nhớ và tôn trọng thực tế nhất. Trâm nghĩ thế nên luôn giữ mình trong môi trường mà ai cũng nghĩ là “nhạy cảm”, đồng thời khẳng định bản thân qua cách sống, cách làm việc.
Trâm chọn cho mình sống với đam mê. Có thể với mọi người “đam mê không làm nên tiền để nuôi sống bản thân”, nhưng nếu vẫn còn có đam mê mình sẽ có động lực để vượt qua tất cả khó khăn – Anh Trâm bộc bạch.
Với Trâm khi bỏ công sức để cùng tạo nên một điều gì đó là điều thật thú vị, nó khiến bản thân mình có sự gắn bó sâu sắc hơn, xem công việc là một phần cuộc sống, những giá trị được kiến tạo nên như “con đẻ” sẽ khiến mình chăm chút cho nó hơn… Không dám nhận là sư phụ của ai – vì cô coi những nhân viên của mình là đồng nghiệp và sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm trong công việc với nhau. Mỗi cá nhân luôn là một kho báu để học hỏi, khám phá.
Nếu là nhà tuyển dụng, theo cô người hợp tác với mình (có thể) không cần quá giỏi nhưng cần có một tình yêu nghề, niềm đam mê với công việc. Vì Trâm đã từng trải qua những giai đoạn ban sơ vào nghề theo cách đó, nên nhận ra được khả năng, bản lĩnh của một người không nhất thiết phải là có cái bằng lận lưng mà tình yêu, đam mê nghề sẽ dạy người ấy giỏi lên, vững vàng.
Tất nhiên, Anh Trâm không phủ nhận việc học ở trường, bởi ngay từ đầu, cô khẳng định, những kiến thức học ở trường đã giúp Trâm rất nhiều. Tuy nhiên, giữa cái bằng bạn có nếu không có thêm cái quý báu của tình yêu nghề, niềm đam mê… thì bạn sẽ không gắn bó được với nghề và quan trọng, bạn sẽ không đủ bản lĩnh để sống tốt với nghề. Đấy chính là tâm niệm chân thành Anh Trâm gửi gắm tới những bạn trẻ sau mình, có ý muốn theo đuổi nghề bartender…
Theo TẤN KHÔI