Để duy trì trạng thái tươi ngon của thực phẩm khi bảo quản trong tủ lạnh, tủ đông, người nội trợ cần có cách sơ chế và đóng gói đúng cách.
Hạn chế đến siêu thị hay các chợ truyền thống trong những ngày giãn cách, nhiều người nội trợ thường trữ thực phẩm để có thể sử dụng từ 10-15 ngày. Tuy nhiên, mỗi loại thực phẩm cần có cách sơ chế và đóng gói đúng cách.
4 nhân vật trong cuộc trò chuyện với Zing chia sẻ những phương pháp kéo dài thời gian sử dụng thực phẩm khi bảo quản trong tủ lạnh.
Không sử dụng túi nylon để bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh
Do tính chất công việc không thể thường xuyên đi chợ, gia đình tôi đã có thói quen trữ thực phẩm trong tủ lạnh 4 năm nay. Trong mùa dịch, tôi vẫn duy trì hoạt động này để đảm bảo đủ thức ăn cho gia đình.
Tôi có nguyên tắc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là không sử dụng túi nylon. Vì không phải loại túi nào cũng an toàn ở nhiệt độ âm. Đồng thời, nếu bọc thực phẩm không đúng cách sẽ có mùi hôi trong tủ và xuất hiện tình trạng nhiễm khuẩn chéo.
Trong mùa dịch, tôi chủ yếu đặt mua thực phẩm qua các chợ online để tránh tiếp xúc nơi đông người. Tôi thường tính toán để đặt mua trước khi thực phẩm hết.
Nhiều đơn hàng khoảng 10 ngày sau mới được giao đến nhưng gia đình vẫn đảm bảo đủ thức ăn. Sau khi hàng về, tôi có thêm bước khử khuẩn bằng cồn trước khi bỏ ra sơ chế.
Để bảo quản rau ăn lá, tôi chỉ cần loại bỏ bớt đất, cát và cho trong hộp hoặc túi giấy. Một số loại củ cần bảo quản trong tủ lạnh, tôi thường đặt thêm giấy thấm để loại bỏ tình trạng đọng nước trong hộp.Bằng cách này, tôi có thể bảo quản rau ăn lá khoảng 1-2 tuần, các loại củ từ 3-4 tuần. Theo kinh nghiệm của tôi, rau còn rễ khi bảo quản trong tủ lạnh sẽ tươi lâu hơn.
Đối với các loại thịt, cá, tôi cũng bảo đảm ráo nước trước khi đặt vào trong hộp. Để tránh thịt, cá bị kết thành khối sau khi cấp đông, tôi sẽ trữ đông có khoảng cách trong hộp.
Sau 5 tiếng, thực phẩm đã đông bề mặt, tôi sẽ bỏ ra và cho vào hộp sâu lòng, tiếp tục bảo quản ở ngăn đông. Bằng cách này, khi cần sử dụng, tôi đều có thể lấy dễ dàng.
Không phải loại rau củ nào cũng cần bảo quản trong tủ lạnh
Trước dịch, gia đình tôi đã áp dụng việc mua thực phẩm về trữ trong tủ lạnh. Tuy nhiên, thời gian bảo quản chỉ từ 5-7 ngày. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, hạn chế ra ngoài, tôi có những cách riêng để bảo quản thực phẩm dùng trong 10-15 ngày.
Gia đình tôi sử dụng song song tủ lạnh và tủ đông để bảo quản thực phẩm ở mức nhiệt yêu cầu. Đối với rau xanh, tôi đảm bảo nhiệt độ trong ngăn mát tủ lạnh luôn ở mức 1-4 độ C.
Nếu nhiệt độ trên 4 độ C, vi khuẩn có hại sẽ phát triển. Dưới 1 độ C, rau sẽ bị đóng băng và không thể sử dụng.
Đặc biệt, không phải loại rau củ nào cũng cần bảo quản trong tủ lạnh. Với bí đỏ, bí đao, khoai mỡ, mướp, bầu… tôi thường để ở nơi khô ráo và thoáng mát vì những loại củ quả này khi để ở ngoài sẽ giúp tăng mùi thơm và vị ngọt.
Theo kinh nghiệm của tôi, để hạn chế khoai tây mọc mầm, bạn nên sử dụng giấy báo hoặc khăn màu tối phủ lên trên.
Từng loại thịt, cá, tôm, tôi lại có cách sơ chế riêng trước khi cấp đông. Đối với thịt lợn, bò, cá, tôi rửa sạch với nước ấm ở nhiệt độ 30-40 độ C có hòa muối. Sau đó, tôi để ráo nước và bỏ vào hộp kèm theo lát gừng với thịt heo, sả đập dập với thịt bò, và hành tím cắt lát cùng cá.
Bằng cách này, tôi có thể giảm và khử được mùi hôi, tanh của thịt khi rã đông.
Với tôm, tôi rửa sạch, chia theo khẩu phần ăn theo từng hộp. Sau đó, tôi đổ nước vào, hòa tan muối và cấp đông. Với cách này, khi sử dụng, tôm vẫn đảm bảo ngọt thịt.
Bảo quản thực phẩm bằng hộp nhựa nguyên sinh có dán nhãn trong tủ lạnh
Gia đình tôi vẫn thường mua thực phẩm từ quê gửi lên và bảo quản trong tủ lạnh 1-2 tuần. Trong những ngày giãn cách, tủ lạnh nhà tôi vẫn đầy ắp thịt cá, rau củ quả để sử dụng trong 15 ngày mà không cần ra chợ.
Để duy trì trạng thái tươi ngon của thực phẩm và có thể xếp ngăn nắp trong tủ lạnh, tôi chi khoảng 10 triệu đồng để sắm 60 chiếc hộp chuyên dụng cho các công năng khác nhau, từ dùng cho tủ đông, tủ mát hay đựng rau củ.
Loại hộp tôi sử dụng được làm từ nhựa nguyên sinh (nhựa chưa qua tái chế) an toàn cho sức khỏe, hoàn toàn kín nước, kín khí. Đồng thời, hộp này có thiết kế thông minh nên phù hợp với đặc điểm của từng loại thực phẩm.
Các thực phẩm sau khi đóng hộp, tôi luôn có thói quen sẽ dán nhãn và ghi tên ở phía ngoài. Việc này giúp tôi không mất nhiều thời gian tìm kiếm.
Sử dụng túi zip silicon chịu nhiệt để bảo quản thực phẩm tươi sống
Quỳnh Anh, Nhật Bản
Hai vợ chồng tôi đã sinh sống ở tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) được 10 năm. Vì công việc bận rộn, tôi chỉ đi siêu thị vào cuối tuần nên đã quen với việc sơ chế và bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh.
Trước đây, tôi chủ yếu sử dụng túi ziplock 1 lần để bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, tôi đã chuyển sang dùng túi zip silicon chịu nhiệt. Lưu ý, bạn nên mua loại túi đã đạt tiêu chuẩn BPA-free (không chứa chất BPA).
Với loại túi này, ngưới nội trợ có thể vệ sinh và sử dụng cho lần tiếp theo. Đồng thời túi zip silicon giúp tiết kiệm diện tích tủ lạnh hơn so với việc sử dụng hộp.
Tôi chỉ cần chia thực phẩm theo khẩu phần ăn vào từng túi, dán nhãn và đặt trong tủ lạnh theo chiều thẳng đứng. Với cách xếp thực phẩm này, chiếc tủ lạnh nhỏ của gia đình tôi vẫn có thể trữ đủ thực phẩm và lấy ra dễ dàng khi sử dụng.
Đồng thời, tôi thường tận dụng các túi giấy để đựng rau củ và chia ngăn trong tủ lạnh.